CSGT được hóa trang để bắn tốc độ
Bạn đọc Phùng Phú Quân (Hiệp Hòa, Bắc Giang) hỏi: Để phát hiện người dân có điều khiển phương tiện đúng tốc độ cho phép không, cảnh sát giao thông (CSGT) cần sử dụng máy bắn tốc độ. Vậy theo quy định hiện hành, lực lượng CSGT được bắn tốc độ ở đâu?
CSGT có thể bắn tốc độ ở bất kì đoạn đường nào theo phân công trong quyết định, kế hoạch phê duyệt của người có thẩm quyền.
Trả lời nội dung này, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại khoản 3 điều 10 Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an, CSGT khi tuần tra, kiểm soát giao thông được sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát và kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Cũng theo quy định tại nghị định trên, máy bắn tốc độ sẽ được lắp đặt, sử dụng công khai hoặc hóa trang trên các tuyến giao thông đường bộ, tại trạm CSGT, trên phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát, trang bị cho tổ CSGT, do cán bộ CSGT trực tiếp vận hành, sử dụng để phát hiện, ghi thu hành vi vi phạm của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.Theo danh mục I ban hành kèm theo Nghị định 135/2021/NĐ-CP, phương tiện đo tốc độ phương tiện giao thông có ghi hình ảnh (hay còn gọi là máy bắn tốc độ) là một trong các phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang bị cho CSGT để sử dụng nhằm phát hiện vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông.
Quy định pháp luật hiện hành không có quy định giới hạn phạm vi sử dụng máy bắn tốc độ nhưng khoản 2 điều 12 Nghị định 135/2021/NĐ-CP lại có quy định, máy bắn tốc độ chỉ được phép sử dụng khi có quyết định, kế hoạch phê duyệt của người có thẩm quyền.“Vì vậy, CSGT có thể bắn tốc độ ở bất kì đoạn đường nào theo phân công trong quyết định, kế hoạch phê duyệt của người có thẩm quyền”, ông Lực nói.
Luật sư Quách Thành Lực cũng cho biết, khi máy bắn tốc độ ghi nhận được hành vi vi phạm, hệ thống tự động truy cập, truyền dữ liệu đến tổ tuần tra, kiểm soát để lưu giữ và phục vụ công tác kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định.
>Người điều khiển phương tiện có trách nhiệm hợp tác theo yêu cầu kiểm tra, kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của CSGT.Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Có thể bị phạt tới 12 triệu đồng nếu chạy quá tốc độ
Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định mức phạt đối với lỗi chạy quá tốc độ như sau:
Đối với ô tô: Phạt tiền 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h đến dưới 10km/h.
Phạt tiền 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 – 20km/h. Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 1-3 tháng;Phạt tiền 6-8 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 – 35km/h. Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2-4 tháng.
Phạt tiền 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35km/h. Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2-4 tháng.
<Đối với mô tô và xe gắn máy: Phạt tiền 300-400 nghìn đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h đến dưới 10km/h.Phạt tiền 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 – 20km/h.
Phạt tiền 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20km/h. Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2-4 tháng.