Không còn phụ cấp thâm niên, chênh lệch của giáo viên mới ra trường, có chuyên môn, nghiệp vụ cao sẽ không quá chênh lệch so với giáo viên công tác lâu năm.
Dự kiến từ ngày 01/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII).Theo Nghị quyết 27 thì cơ cấu tiền lương mới của cán bộ, công chức, viên chức sẽ bao gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Ngoài ra, sẽ thực hiện sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương.
Trong đó, bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức).Ảnh minh họa
Giáo viên công tác lâu năm lo bị giảm lương khi không còn phụ cấp thâm niên
Từ 01/7 tới, sẽ chính thức bãi bỏ phụ cấp thâm niên nhiều lĩnh vực trong đó có nhà giáo.
Câu chuyện bãi bỏ phụ cấp thâm niên chắc chắn sẽ khiến nhiều thầy cô công tác lâu năm trong nghề cảm thấy trăn trở.
Khi bãi bỏ phụ cấp thâm niên nhà giáo, lương giáo viên sẽ được tính ra sao?
Nhiều giáo viên lo lắng, khi đã gắn bó, cống hiến lâu trong ngành giáo dục hàng chục năm, đang được hưởng phụ cấp thâm niên 30-40% mỗi tháng, đến ngày 01/7 tới sẽ bị cắt phụ cấp thâm niên, thiệt thòi. Giáo viên cho rằng, phụ cấp thâm niên là để trân trọng và ghi nhận quá trình gắn bó, cũng như là để giúp người giáo viên công tác lâu năm có thêm động lực gắn bó với nghề.
Một số giáo viên khác cho rằng phụ cấp thâm niên với nhà giáo là một sự khẳng định vị trí của giáo viên, thể hiện sự gắn bó của thầy cô với ngành giáo dục là sự tri ân, nguồn động lực để thầy cô cống hiến, tiếp tục phấn đấu vì sự nghiệp “trồng người”, phụ cấp thâm niên nhà giáo nên giữ vì nó là đặc thù của những người làm nghề “cao quý”.
Lương nhà giáo hiện nay được tính: (Hệ số lương x lương cơ sở)+ phụ cấp ưu đãi + phụ cấp thâm niên (sau 5 năm công tác),…Những giáo viên công tác 30-40 năm lo lắng khi không còn phụ cấp thâm niên, họ sẽ mất đi khoản phụ cấp 30-40% mỗi tháng, một con số không hề nhỏ, có thể họ sẽ bị giảm lương từ 01/7 tới, khi thực hiện cải cách lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW.
Nhiều bất hợp lý khi trả lương nhà giáo theo thâm niên
Người viết là giáo viên giảng dạy tại trường trung học cơ sở cũng trên 20 năm. Hiện nay, tôi được nhận mỗi tháng phụ cấp thâm niên 20%, số tiền hỗ trợ rất nhiều để trang trải cuộc sống. Tôi cũng mừng vì thời gian qua nhà nước luôn chăm lo cho nhà giáo, phụ cấp thâm niên nhằm giúp tôi muốn gắn bó với nghề lâu hơn.
Tuy nhiên, nói một cách công bằng, giáo viên lớn tuổi, công tác lâu năm, hệ số lương cao phụ cấp ưu đãi nhận cao, thêm phụ cấp thâm niên, tổng lương hàng tháng cao. Điều này tạo ra sự chênh lệch lớn về thu nhập giáo viên trẻ và giáo viên lớn tuổi khá lớn, khi công việc như nhau,…
Ví dụ, một giáo viên trung học cơ sở mới ra trường hiện nay được xếp lương hạng III (sau khi hết tập sự) có hệ số lương 2,34 được nhận lương 2,34 x 1,800,000 được nhận lương 4,212,000 đồng và 30% phụ cấp ưu đãi 1,263,600 đồng, tổng cộng 5,475,600 đồng mỗi tháng (chưa kể các khoản trừ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, công đoàn phí,…
Một giáo viên khác dạy 40 năm, có hệ số lương 4,98, được nhận lương 8,964,000 đồng, 30% phụ cấp ưu đãi là 2,689,200 đồng, 40% phụ cấp thâm niên 3,585,600 đồng, 20% phụ cấp thâm niên vượt khung 1,792,800 đồng, tổng cộng giáo viên này hưởng tổng thu nhập khoảng 17,031,600 đồng mỗi tháng (chưa kể các khoản trừ).
Một giáo viên khác, nếu được bổ nhiệm hạng II, có hệ số lương 5,7, cộng với phụ cấp thâm niên,…thực nhận có thể lên đến 19 triệu đồng mỗi tháng (chưa kể các khoản trừ).
Như vậy, có phụ cấp thâm niên, chênh lệch giữa giáo viên trẻ mới ra trường và giáo viên công tác lâu năm là rất lớn. Mức chênh lệch có thể hơn 10 triệu mỗi tháng, dù công việc gần như nhau nhau, giáo viên trẻ đôi khi tham gia công tác, phòng trào nhiều hơn. Điều này ít nhiều khó khuyến khích giáo viên trẻ có động lực gắn bó với nghề.
Thời gian qua, giáo viên nghỉ việc nhiều, trong đó có không ít là giáo viên trẻ vì thu nhập thấp, áp lực công việc nhiều,…
Cải cách tiền lương từ 01/7/2024, xác định lương phải là thu nhập chính, bãi bỏ nhiều khoản thu nhập đặc thù như phụ cấp thâm niên, phụ cấp ngoài lương khác,…sẽ tạo công bằng và khoa học hơn trong trả lương.
Cải cách tiền lương từ 01/7/2024 là tin vui với những người hưởng lương từ ngân sách, trong đó có giáo viên. Nó sẽ giúp giáo viên cải thiện thu nhập, đời sống bớt khó khăn.
Một giáo viên có thâm niên công tác 30 năm chia sẻ với người viết rằng, có hơi hụt hẫng kèm lo lắng khi nghe thông tin cải cách tiền lương sẽ không còn được nhận 30% phụ cấp thâm niên.
Cải cách lương mới từ 01/7, lương, thưởng giáo viên sẽ tăng, công bằng hơn
Cá nhân người viết cho rằng, việc hiểu như trên là chưa đúng, từ 01/7/2024, khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW, tổng thu nhập của giáo viên cho dù không còn phụ cấp thâm niên nghề nhưng vẫn sẽ tăng không có giảm và không có việc giáo viên lớn tuổi, nhỏ tuổi hưởng chung một mức lương vì:
Theo Nghị quyết 27/NQ-TW, đối với giáo viên khu vực công được xây dựng 1 bảng lương giáo viên chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương.
Đối với giáo viên là viên chức sẽ được hưởng lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp, mỗi chức danh nghề nghiệp sẽ có nhiều bậc lương.
Như vậy, tuy không còn phụ cấp thâm niên, nhưng theo định hướng Nghị quyết 27/NQ-TW, xây dựng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm. Việc thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới phải bảo đảm không được thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Do đó, khi chuyển từ lương hiện hưởng sang lương mới phải đảm bảo không được thấp hơn lương hiện hưởng, dù không còn phụ cấp thâm niên nhưng tổng lương, thu nhập của giáo viên sẽ tăng, không giảm theo đúng tinh thần Nghị quyết 27/NQ-TW.
Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 27-NQ/TW 2018, bảng lương sẽ thiết kế cơ cấu mới gồm: Lương cơ bản (70% tổng quỹ lương) + phụ cấp (30% quỹ lương). Ngoài ra, bảng lương sẽ bổ sung thêm tiền thưởng, chiếm khoảng 10% quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.
Theo Nghị quyết, cơ cấu tiền lương mới sau cải cách của giáo viên sẽ gồm ba bộ phận là lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng. Do đó, so với hiện nay, lương giáo viên trong khu vực công sẽ được bổ sung thêm tiền thưởng.
Lương giáo viên sẽ được tính theo công thức: Lương = Lương cơ bản + phụ cấp + thưởng (nếu có).
Việc trả lương của giáo viên là viên chức sẽ không thực hiện theo (hệ số x mức lương cơ sở) như hiện nay mà được thay thế bằng các bảng lương theo vị trí việc làm gồm một bảng lương chức vụ và một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ.
Cũng giống cán bộ, công chức, viên chức khác, giáo viên là viên chức sẽ được sắp xếp lại chế độ phụ cấp khi cải cách tiền lương. Tuy nhiên, dù sắp xếp lại thì cơ cấu phụ cấp của giáo viên vẫn phải chiếm 30% tổng quỹ lương.
Do đó, khi chuyển lương từ lương cũ sang lương mới theo Nghị quyết 27/NQ-TW từ 01/7 tới sẽ không thấp hơn lương cũ, bên cạnh đó, giáo viên vẫn giữ được phụ cấp ngành và còn được bổ sung tiền thưởng nên tổng thu nhập của giáo viên sẽ tăng, không giảm.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng khoảng 30%, là mức tăng đáng kể so với con số tăng bình quân mỗi năm 7% khi chưa thực hiện cải cách tiền lương.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, khi cải cách tiền lương, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm điều chỉnh hỗ trợ để đảm bảo tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên, bác sỹ được tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm của họ, vừa bảo đảm mặt bằng tiền lương chung của cán bộ, công chức, viên chức, vừa thể hiện ưu đãi đối với hai ngành này. [1]
Giáo viên hy vọng với lần cải cách này, lương của giáo viên sẽ được tăng lên đảm bảo công bằng, khách quan đúng vị trí việc làm, nâng cao đời sống để các thầy cô yên tâm công tác. Ngoài ra giải quyết được những bất cập, tồn tại về lương hiện nay và mong rằng giáo viên có thể sống được bằng lương.